SỨ MỆNH CỦA MỘT CON NGƯỜI
Con người sinh ra đều có một sứ mệnh chung là giúp đỡ người khác. Nhưng mỗi người lại lựa chọn một cách khác nhau để hoàn thành sứ mệnh của mình. Trích dẫn một câu nói của một nhân vật nổi tiếng trong cuộc chiến tranh giải phóng hắc nô ở Hoa Kỳ; thầy giáo, đại tá và sau này trở thành thiếu tướng Chamberlain: “Rất nhiều những người lính đã chiến đấu vì Đức vua của họ hay vì Tổng thống của họ bắt họ phải chiến đấu. Nhưng ngày hôm nay, đây là lần đầu tiên tất cả chúng ta chiến đấu vì tự do của những người khác.”
“Sứ mệnh” là một mỹ từ đầy thiêng liêng và cao quý mà ai cũng muốn dùng đến để khẳng định lý do về sự hiện diện của mình trong cuộc sống này. Nhưng hầu hết chúng ta đều có tầm nhìn tương đối giới hạn về thế giới, về lịch sử và về khả năng ảnh hưởng của chính chúng ta đối với những người bên cạnh mình.
Trong cuộc đời của mỗi con người, đều có những lúc đòi hỏi phải đưa ra một quyết định. Nếu bạn đưa ra quyết định đó thì nó sẽ ảnh hưởng sâu rộng đến những thế hệ thậm chí còn chưa sinh ra. Dường như có một sợi chỉ mỏng kết nối bạn với hàng trăm nghìn cuộc đời. Tấm gương của bạn, những hành động của bạn, thậm chí chỉ một quyết định của bạn thôi, cũng có thể thay đổi hoàn toàn thế giới. Xin phép được nhắc lại điều này một lần nữa: Một quyết định mà bạn đưa ra hôm nay có thể thay đổi hoàn toàn thế giới này. Chỉ là bạn có ý thức được điều đó hay không.
Tôi sẽ kể cho bạn nghe câu chuyện về đại tá Chamberlain.
Năm 1863, thời điểm khốc liệt nhất cuộc nội chiến nước Mỹ , Nam Bắc tương tàn. Thời khắc đó, có một con người đi vào lịch sử của thế giới, một thầy giáo trường làng đã cầm súng ra chiến trường để bảo vệ lẽ phải.
Cuộc nội chiến của nước Mỹ xảy ra từ năm 1861 đến năm 1865, hay còn được gọi là chiến tranh giữa các tiểu bang. Đó là thời kỳ sau khi tổng thống Lincoln đắc cử và tuyên bố xóa bỏ chế độ nô lệ. Điều đó đã gây mâu thuẫn về việc duy trì chế độ nô lệ giữa các bang. 11 tiểu bang ủng hộ chế độ nô lệ ở miền Nam Hoa Kỳ đã tuyên bố ly khai khỏi Hợp chủng quốc Hoa Kỳ và lập ra Liên minh miền Nam. 25 tiểu bang còn lại ủng hộ chính phủ và lập ra Liên bang miền Bắc. Và đây là cuộc nội chiến Nam – Bắc, cuộc chiến của những người theo lẽ phải, giải phóng chế độ nô lệ (phe miền Bắc), và những người ủng hộ tiếp tục chế độ nô lệ (phe miền Nam).
Kết quả của cuộc nội chiến này là chiến thắng của quân miền Bắc, đặt dấu chấm hết cho Liên minh miền Nam cũng như giải phóng chế độ nô lệ ở Hoa Kỳ và làm cho nước Mỹ thống nhất lại thành quốc gia duy nhất như tất cả chúng ta biết ngày hôm nay.
Thế nhưng những gì mà chúng ta đang biết về nước Mỹ hiện tại đã có thể không xảy ra nếu không có một con người đặc biệt – một thầy giáo trường làng tên là Chamberlain – người đã thay đổi toàn bộ cục diện của cuộc chiến bằng một quyết định của mình. Nếu không có quyết định của Chamberlain ngày hôm đó, ngày 2 tháng 7 năm 1863 thì đã không có Hợp chủng quốc Hoa Kỳ của ngày hôm nay, mà thay vào đó là 2 hoặc 3 quốc gia ly khai độc lập nằm trên bản đồ nước Mỹ bây giờ. Một quyết định lịch sử của thầy giáo Chamberlain đã thực hiện vào hôm đó.
Ngày mùng 2 tháng 7 năm 1863, đó là một ngày nóng ẩm ướt, một thầy giáo đến từ thị trấn Maine đang trải qua một trận chiến khốc liệt nhất trong cuộc đời mình. Tên anh là Joshua Chamberlain, 34 tuổi, anh đã tham gia vào lực lượng của binh sĩ miền Bắc và đang là Đại tá của một binh đoàn. Ngày hôm đó, cuộc chiến diễn ra ở chiến trường Gettysburg, Pennsylvania. Đội quân do Chamberlain chỉ huy được giao nhiệm vụ bảo vệ bằng được một cứ điểm trọng yếu, đó là một đỉnh đồi, nơi giằng co khốc liệt của lực lượng hai bên.
Sau năm cuộc tấn công đẫm máu, một nửa số binh lính của anh đã hi sinh và rất nhiều binh lính còn sống thì đang bị thương, tương quan lực lượng của anh yếu hẳn so với quân phiến loạn miền Nam. Tỷ lệ lên tới 1 chọi 5 và đội quân của anh lại chuẩn bị đón cuộc tấn công thứ sáu từ phía địch. Nhìn đội ngũ đầy thương vong và quân địch đang chuẩn bị cho cuộc tấn công mới, tinh thần những người còn lại trong đội của Chamberlain đã xuống rất thấp. Một người lính ngay cạnh anh vừa bị trúng đạn. Người lính đó vẫn cố lết về phía Chamberlain, khi anh kéo được người lính đó về phía mình thì một quả đạn đã xé đứt cánh tay của người lính.
Chamberlain biết đó là một cậu bé chưa bước qua tuổi 15. Cách đó 9 mét là xác một người đàn ông nằm vắt ngang bức tường đá. Đó chính là cha cậu bé. Cả hai cha con đều nhập ngũ vào trung đoàn vào mùa thu năm trước. Chưa bao giờ Chamberlain chứng kiến đồng đội mình chết nhiều như vậy. Đạn từ phía quân thù găm chát chúa khắp nơi. Có những phát đạn trúng vào xác những đồng đội của anh vang lên “phặp, phặp”. Giờ đây anh có thể phân biệt rất rõ âm thanh của tiếng đạn găm vào cơ thể sống và găm vào các xác chết.
– “Thưa Đại tá, chúng ta rút lui chứ? Địch có 500 quân mà chúng ta chỉ còn lại gần 100 người đầy thương tích” – một cấp dưới hỏi Chamberlain.
– “Các bạn, chúng ta còn bao nhiêu viên đạn?” – Chamberlain hỏi?
– “Người còn nhiều nhất là 2 viên, thưa Đại tá. Nhiều người đã hết đạn.”
– “Trung sĩ Spear, hãy bảo các binh sĩ lấy đạn từ những người đã chết và bị thương.”
– “Tôi nghĩ chúng ta nên cân nhắc về việc rút lui, thưa ngài.”
– “Chúng ta sẽ không rút lui, Trung úy. Hãy thực hiện mệnh lệnh của tôi!”
– “Thưa Đại tá, chúng ta không thể thắng bọn chúng. Ngài biết rõ là chúng ta không thể làm điều đó. Chúng đông gấp 5 lần chúng ta.”
Chamberlain đứng quan sát toàn cảnh trên đình đồi, hai tay bắt chéo, nhìn không chớp xuống đội quân phiến loạn đang tiến đến ngày càng gần. Im lặng trong một phút, anh tính toán và biết rằng cái giá phải trả cho việc giữ vững vị trí hiện tại cũng ngang bằng với việc rút lui. Anh biết rõ rằng, anh không sinh ra trên trái đất này lần thứ hai nữa, nhưng thất bại là kết quả duy nhất trong cuộc sống khi chấp nhận và đầu hàng hoàn cảnh.
Chamberlain nhanh chóng đánh giá tình hình và quay lại nói với binh sĩ:
– “Chúng ta không thể rút lui. Chúng ta sẽ có lợi thế nếu chúng ta tấn công xuống dưới ngọn đồi. Tất cả lắp lưỡi lê vào.”
Mệnh lệnh Chamberlain đưa ra rứt khoát đanh gọn. Cả nhóm binh sĩ không ai cử động, tất cả há hốc mồm nhìn anh. Chamberlain nói:
“Tôi là một thầy giáo. Tôi là người mang sức mạnh của một nhà giáo trong tim và trọng trách lãnh đạo những người lính của mình. Tôi cầm súng ra chiến trường mà không có chút kiến thức nào về chiến tranh hay chiến thuật. Tôi chỉ có một thế mạnh là cứng đầu, đó là ưu thế lớn nhất của tôi trong cuộc chiến này. Bên trong con người tôi không cho phép tôi đứng ngoài cuộc chiến. Hôm nay tôi có thể chết đi, nhưng tôi sẽ không giờ chết bởi một viên đạn bắn vào lưng. Tôi sẽ không chết khi đang bỏ chạy. Các bạn tin con người tôi chứ? Bất cứ việc gì tôi làm tôi đều cố gắng đạt được mục đích của mình.
Thưa các bạn, những chiến sĩ tôn kính của tôi. Từ nhiều thế kỷ nay, những cuộc chiến nổ ra là để giành giật đất đai, đàn bà hay tiền bạc. Hàng nghìn người đã chết cho những cuộc chiến bởi lòng đố kỵ, hay một sự nhục mạ. Rất nhiều những người lính đã chiến đấu vì Đức vua của họ hay vì Tổng thống của họ bắt họ phải chiến đấu. Nhưng ngày hôm nay, đây là lần đầu tiên tất cả chúng ta chiến đấu vì tự do của những người khác. Tôi cũng như các bạn, hầu hết những người lính chúng ta ở đây đều chưa từng thấy một người da đen, nhưng nếu quả thật mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng thì chúng ta đang chiến đấu vì nhau, vì những người giống như mình. Chúng ta đang chiến đấu bởi đó là một việc làm đúng đắn.
Ngày hôm nay chúng ta có thể hy sinh tại chiến trường đây, nhưng mỗi hòn đá nơi này, những cành cây ở đây, cả dòng suối kia sẽ mãi mãi ngàn thu ghi nhớ bản hùng ca về sự hy sinh bất tử của chúng ta. Chúng ta sẽ đi vào lịch sử là những con người can trường nhất đã chiến đấu cho sự tự do của đất nước này. Hãy nhớ, hôm nay là cuộc chiến khốc liệt nhất trong cuộc đời của các bạn. Các bạn có thể hy sinh nhưng tinh thần sẽ mãi còn ở lại để phong thánh cho mảnh đất này, nơi những con người sẽ mãi được tự do. Sức mạnh can đảm và tinh thần bất tử của chúng ta sẽ thấm sâu vào tâm hồn họ. Cách các bạn chiến đấu ngày hôm nay sẽ là cách để mãi mãi những đời sau tưởng nhớ các bạn.
Hãy theo lệnh tôi. Lắp lưỡi lê vào súng, dốc toàn lực cho cuộc tấn công cuối cùng.”
Chém mạnh lưỡi lê vào không khí với nguồn sức mạnh kết tinh từ đạo đức xen lẫn với nỗi sợ hãi, người thầy giáo đến từ Maine gào lên “Tấn công, tấn công, tấn công”. Tất cả các binh sĩ đều xông lên theo anh, những người lính ở phía sau cùng gào lên hòa nhịp với giọng người chỉ huy nhất loạt “Tấn công, tấn công, tấn công”. Tiếng thét của họ như xé tan bầu trời làm hai. Tất cả lao xuống đồi với những sinh lực thần thánh khủng khiếp. Gần như bị choáng váng quá nhanh và không kịp hiểu chuyện gì xảy ra, hơn 500 quân lực lượng ly khai đang tiến quân lên thì nhất loạt dừng lại vì bất ngờ và đồng loạt quay đầu bỏ chạy, một số ít người còn kịp buông súng trước khi chạy theo những người khác. Chamberlain khi lao xuống dốc, tay trái anh đặt trên một thân cây, tay phải anh cầm chắc lưỡi lên chĩa thẳng vào xương đòn của một tên phiến loạn. Hắn giơ hai tay lên nhưng đã quá muộn.
Tất cả đã diễn ra quá nhanh, cuộc tấn công thần tốc diễn ra trong 10 phút và dành chiến thắng tróng vánh. Toàn bộ trung đoàn quân phiến loạn bị bắt gọn gần 500 người. Họ không thể hình dung được rằng những người bắt họ chính là những người lính đầy thương tích đã đánh nhau cả ngày trong 5 trận chiến trước đó. Tất cả bỏ chạy vì nghĩ rằng chỉ có lực lượng viện binh mới đầy hùng hậu mới dám tấn công kiểu như vậy.
Sau cuộc chiến, người thầy giáo đến từ Maine đã được tặng huân chương danh dự của Quốc hội vì quyết định của mình tại đồi Gettysburg. Những tướng lĩnh quân đội miền Bắc đã quả quyết rằng những hành động của Chamberlain ngày hôm đó đã cứu quân đội Liên bang khỏi bị tan rã. Người thầy giáo này đã giữ được cứ điểm và xoay chuyển cục diện cuộc chiến. Bởi nếu ngày hôm đó, quân đội ly khai miền Nam giành thắng lợi thì sẽ không còn nước Mỹ mà chúng ta biết đến ngày hôm nay. Sẽ có ít nhất 2 hoặc thậm chí là 3 đất nước tồn tại trên cái mảnh đất này. Thế giới sẽ không có một đất nước đủ lớn mạnh để chu cấp cho những đất nước khác trên hành tinh này. Sẽ không có một cường quốc nào có đủ khả năng bảo vệ cho những tầng lớp yếu hơn chống lại những tầng lớp kìm hãm tự do của họ.
Nhưng bởi vì một người đàn ông bình thường, một thầy giáo trường làng đã đưa ra một quyết định hành động cho nên ngày hôm nay chúng ta đang được sống trong một thế giới hoàn toàn khác và hiện nay chúng ta đang ở đây nhờ người đàn ông đã đứng trên đỉnh đồi đó. Một người và một ngày tháng 7 nóng nực cách đây gần 160 năm. Người đàn ông ấy cũng lo sợ cho tính mạng của mình. Anh dường như chỉ có sự lựa chọn duy nhất là rút lui, nhưng anh đã quyết định tấn công, một quyết định đưa đến sự thay đổi của thế giới này.
Hai năm sau khi kết thúc cuộc chiến, có một lá thư gửi đến thầy giáo Chamberlain với lời viết như sau:
“Kính gửi Đại tá Chamberlain!
Trong trận chiến trên đỉnh đồi mà tôi cũng tham gia vào cùng trận đánh đó, tôi là phe đối địch với bên ngài. Trong khoảnh khắc khi đội quân của ngài tấn công, đã hai lần họng súng của tôi ngắm vào cổ họng ngài. Tôi có một vị trí trú ẩn an toàn giữa hai tảng đá và ngắm bắn ngài dễ dàng khi ngài đang ở vị trí rất thoáng. Tôi biết chức vị của ngài qua bộ quân phục và hành động tiên phong của ngài. Tôi nghĩ rằng chúng tôi sẽ có lợi thế hơn nếu hạ được ngài.
Để khẩu súng trên tảng đá và ngắm thật kỹ, tôi bắt đầu kéo cò nhưng một ý nghĩ kì quái khiến tôi dừng lại, rồi tôi lại cảm thấy lạ lẫm xấu hổ vì sự mềm yếu của mình và lại tiếp tục nhắm bắn ngài lần thứ hai. Lúc đó tôi hoàn toàn tỉnh táo, nhưng cái cảm giác kỳ lạ đó lại xuất hiện khiến tôi không thể kéo cò và lấy đi mạng sống của ngài. Dường như có tiếng nói vang lên trong đầu tôi rằng: “Đừng giết con người này. Anh ấy đang chiến đấu vì lẽ phải.” Và đến ngày hôm nay khi viết lá thư này cho ngài thì tôi biết rằng mình đã có một quyết định đúng đắn vào hôm đó.
Trân trọng, một người lính của trung đoàn Alabama 15!”
Có một điều tôi muốn bàn ở đây chính là một yếu tố mang tính tâm linh. Đó là một sứ mệnh để tạo nên cả nước Hoa Kỳ và phải chăng có một điều kỳ diệu xảy ra ở đây đó chính là sự hiện diện của một hàng rào gai vô hình để bảo vệ con người thực hiện một việc làm cao cả. Nếu ai đó theo đạo Thiên chúa thì sẽ thấy “hàng rào gai” được nhắc đến trong Kinh Thánh là một sự bảo vệ tuyệt vời ban tặng cho một con người khi người đó đã được định đoạt để làm nên sự khác biệt. Cho đến khi bạn hoàn thành việc bạn phải làm ở đây bạn sẽ không thể bị tổn hại. Chính thầy giáo Chamberlain trên ngọn đồi ở Pennsylvania năm đó. Anh đã có được sự bao bọc của một hàng rào gai để hoàn thành sứ mệnh của mình. Anh không thể chết.
Các bạn thấy đó, cuộc sống này rất kỳ diệu, dường có một thế giới vô hình đang chi phối cuộc sống của chúng ta. Không phải ngẫu nhiên mà chúng ta được sinh ra. Có một sứ mệnh nào đó rất ý nghĩa để chúng ta làm trong cuộc đời mình, cũng giống như thầy giáo Chamberlain, và chúng ta phải tự tìm kiếm và khám phá ra điều đó. Trong cuộc đời của mỗi người chúng ta đều có những lúc đòi hỏi phải đưa ra một quyết định. Quyết định đó của bạn có thể sẽ ảnh hưởng sâu rộng đến những thế hệ rất xa sau này. Cho nên hãy biến cuộc đời mình là một tấm gương để những hành động của chúng ta hôm nay sẽ tác động ít nhiều, thay đổi thế giới này tốt lên.
Sứ mệnh của tôi là: “Tôi hạnh phúc mỗi khi giúp những chuyên gia, doanh nhân thông tin phát triển bản thân và phát triển kinh doanh để họ thay đổi cuộc sống“.
Tôi lựa chọn trở thành một nhà đào tạo diễn giả. Tôi giúp các chuyên gia, doanh nhân thông tin phát triển bản thân, phát triển kinh doanh để họ trở thành diễn giả, nhà đào tạo nổi tiếng và giàu có. Sau đó những diễn giả, nhà đào tạo được tôi giúp đỡ sẽ tiếp tục cùng nhau lan tỏa nhiều giá trị tốt đẹp đến cho cộng đồng.
Kết luận lại bằng một câu nói tôi rất tâm đắc: “Ai cũng rồi sẽ chết, nhưng không phải ai cũng đã từng sống.”